Activities

Tổng hợp kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm 2011

, 10/09/2011, 10:59 GMT+7

 Lạm phát cao, bán lẻ tăng chậm và hàng tồn kho tăng mạnh là những tâm điểm của bức tranh kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm nay.

CPI tháng 8/2011 tăng 0,93% so với tháng trước

Thông tin CPI tháng 8/2011 tăng 0,93% so với tháng trước được Tổng cục thống kê công bố đã giải tỏa tâm lý lo lắng lạm phát bùng phát thời gian qua. Mức tăng đã giảm nhiều và đây là tháng có chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 1% sau 11 tháng.

CPI tháng 8/2011 tăng 15,68% so với tháng 12/2010; tăng 23,02% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập siêu 8 tháng chạm mức 6,2 tỷ USD

Tính chung 8 tháng năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 67 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2010.

Nhập siêu 8 tháng năm nay ước tính đạt 6,2 tỷ USD, bằng 10,2% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nếu loại trừ xuất, nhập khẩu vàng và các sản phẩm vàng, nhập siêu 8 tháng ước tính 7,96 tỷ USD, bằng 13,6 % kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 8 tháng năm nay tăng cao một mặt do lượng xuất khẩu một số mặt hàng tăng trong khi đó Đơn giá nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao là nguyên nhân chính đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng.

Bội chi ngân sách vẫn nằm trong tầm kiểm soát

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2011 ước tính đạt 411,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 251,1 nghìn tỷ đồng, bằng 65,7%; thu từ dầu thô 62 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2011 ước tính đạt 450,7 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 95,9 nghìn tỷ đồng, bằng 63,1%.

Bội chi ngân sách đến 15/8 là 39,3 nghìn tỷ đồng. So với con số hơn 120.000 tỷ đồng cả năm 2011 được thông qua đầu năm, bội chi ngân sách nhà nước vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2011 tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng năm nay tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,7%; công nghiệp chế biến tăng 10,7%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,8%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/8/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 87,5%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 65,8%; sản xuất bia và mạch nha tăng 58,6%; sản xuất giày dép tăng 45,6%; sản xuất trang phục tăng 41,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 39,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 39,1%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 38,8%; sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 38,0%.

Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,9%

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng năm 2011 ước tính đạt 1224,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2010, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 3,9%.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 8,7% so với cùng kỳ

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước tính đạt 18,5 nghìn tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm nay đạt 111,1 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% kế hoạch năm và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2010.

Thu hút FDI chỉ bằng 73,8% nhưng giải ngân tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2010

Thu hút FDI từ đầu năm đến 24/8/2011 đạt 9567,6 triệu USD, bằng 73,8% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 7943,3 triệu USD của 582 dự án được cấp phép mới; vốn đăng ký bổ sung 1624,3 triệu USD của 168 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. FDI thực hiện 8 tháng năm 2011 ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với 2797,4 triệu USD, chiếm 35,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Những sự kiện kinh tế tiêu biểu tháng 8

Chính phủ và các cơ quan thuộc Quốc hội nhất trí với đề án tăng lương tối thiểu ở mọi loại hình doanh nghiệp từ 1/10 lên 2 triệu đồng theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

S&P hạ xếp hạng tín dụng đồng nội tệ loại dài hạn của Việt Nam xuống mức “BB-“ từ mức “BB” hiện nay; EIU hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2011 xuống 6%;

Tiến sĩ Bùi Trường Giang cho biết theo các chuyên gia kinh tế thì xác suất xảy ra khủng hoảng lần hai là trên 50%. Xuất khẩu sẽ là khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên bởi môi trường kinh doanh gặp nhiều bất trắc thì nhu cầu nhập khẩu toàn cầu sẽ giảm.

Nhật xây khu công nghiệp quy mô lớn ở Việt Nam vốn 100 triệu USD. Tập đoàn Sojitz, Daiwa House và công ty Kobelco Eco-Solutions (thuộc Kobe Steel Group) sẽ cùng nhau xây dựng Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành, Đồng Nai) trên diện tích 270ha.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành trở lại. Các nhà thầu đã kết nối dự án hai bơm hai bể dầu chua bổ sung với nhà máy lọc dầu Dung Quất nên khả năng vận hành nhà máy sẽ linh hoạt hơn nhiều, dự trữ dầu thô tăng thêm 34%. Đây là "bước đệm" hướng tới kế hoạch mở rộng công suất nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn/năm.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, từ tháng 8/2011 đến hết tháng 12/2011, tạm chưa khấu trừ thuế TNCN, tạm chưa thu thuế TNCN đối với người hưởng lương và cá nhân kinh doanh có mức thu nhập tính thuế đến bậc 1 của Biểu thuế lũy tiến từng phần.